Nombre total de pages vues

mardi 10 janvier 2017

TRUYỆN DÀI : RỪNG XANH THAY LÁ



PHẦN MỘT : NGƯỜI TÙ KHÔNG ÁN

Kể từ ngày Đào lên thăm Minh, tính đã hơn nửa năm.
Minh cảm thấy như mới gặp Đào hôm qua, lại vừa thấy lâu quá rồi, một khoảng thời gian dài đăng đẳng, dài như con đường Trần Hưng Đạo.
Minh cười thầm vì nhớ lại lời của một người con gái mới quen trong buổi chiều anh dạo Thảo Cầm Viên Sàigòn cách đây gần nửa thế kỷ. Thuở đó còn là tuổi học trò, năm chuẩn bị thi lấy bằng Tú Tài.
Hạnh, nữ sinh Trưng Vương, có âm giọng Bắc Hà Nội nghe rất dễ thương :
Đường nào dài bằng đường Trần Hưng Đạo, lính nào xạo bằng lính Hải Quân.
Hoặc là “ Đường nào dài bằng đường phi đạo, Lính nào xạo bằng lính Không Quân.

Sau này, Minh được đổ bằng Tú Tài toàn phần, anh tình nguyện vào quân chủng Hải Quân thì mới rõ lời “ châm biếm” của cô gái năm xưa nói rất đúng.
Lính Hải Quân xạo thật. Tàu cặp bến nào cũng có “ đào” đến rước đi chơi. Cứ mỗi chuyến công tác tuần dương là có thêm một “đào” mới cắt chỉ. Nhưng đối với ai thì mới, còn Minh thì miệng lưỡi chẳng “ lém” nên vẫn y như cũ. Cô đào Hạnh ngự trị trong tim anh suốt 11 năm lính, đến ngày 30 tháng 4, tình anh lính thủy mới rã tan vì đất nước loạn lạc.

Tất cả mọi thức ăn Đào đem lên đã gần hết. Chỉ còn vài thẻ đường bị chảy nước. Một bọc các túi ny-lon được giặt sạch cuốn bó vào nhau và một túi mè đen. Một gói tôm khô độn ngô vàng, trăng trắng.
Kiểm soát lại trong rương, Minh còn có thêm cái bếp than. Đó là một cái lon sữa bò có mấy cọng thép làm ghi chia đôi đồ hộp. Phía dưới đục làm lổ thông gió. Cái bếp này do Minh sáng chế trong ngày đầu tiên Cách Mạng hướng dẫn bước chân anh vào tù với một danh từ hoa mỹ “ Học tập cải tạo”.
Cái bếp được để sang một bên.

Hằng ngày Minh theo anh em cùng trại khoác bị làm và tối khoác bị về. Một gói rau thơm ước dẫm nước gói trong một mảnh ny-lon. Một củ su hào đã lặt trụi lá, anh nhặt được ở một vườn rau bên kia suối.
Tên trưởng trại xuất hiện bất ngờ. Giọng hắn đanh thép :
- Quả tóm rồi !

Minh hơi bối rối một thoáng, xong lấy lại bình tỉnh ngay. Anh đặt nắm rau thơm, củ su hào ra một chỗ. Tên quản giáo, trưởng trại lấy chân đá vào cái rương ra hiệu Minh lấy cái rương ra phía ngoài thì loài ở giữa rương gỗ và bức vách là một cái ống quần tù rách một đầu đã được khâu liền, đầu kia được túm phồng phồng như một con chuộc cống. Đó là một cái túi đựng than củi. Minh nhấc cái túi ra, anh biện hộ :
- Báo cáo anh. Tôi bị bệnh quá, mạn phép anh mang tí than về nấu cháo...
Tên quản giáo trại hậm hực :
Ở đây ai cũng kêu tôi là ông, còn anh tại sao gọi tôi là anh, dám chống lại nà?
- Báo cáo ông. 
- Có thế chứ. 
Nói xong tên quản giáo trại đá vào các thứ phạm nội qui trại và đá luôn cái rương. Rồi hắn nhấc vội túi đường, túm ny-lon trong rương mà Minh đã xếp các tang vật vào rương. Hắn xé toạt ra.
Những người tù còn lại ngồi im lặng. Rồi mỗi người một câu, ầm lên ọ xuống :
- Chắc có thằng nào bẩm. Hẳn có thằng chó nào bẩm đây!
Minh trầm ngâm nhìn vào một anh tù ngồi ở sàn bên kia. Một người tù khác cũng hướng mắt theo về phía anh Minh nhìn. Họ đồng loạt nói : 
- Đó là cái chắc!  
Trong tù cũng như ngoài đời, Minh căm thù nhứt là sự phản bội. Anh chép miệng :
- Đã khổ thế này mà còn hành hạ lẫn nhau. Chó giết chó.
Minh tiếc cái túi than. Đây là cái túi than đặc biệt, Không phải lại than củi thông thường. Đi làm, việc đầu tiên là phải phát hỏa. Kiếm cây que đốt lửa đùng đùng. Dúi ngầm vào đó củ khoai, cái bắp ngô 
nếu tốt số nhặt được.
Người nào thích than thì đi tìm củi chất bỏ vào, rồi nhặt than ra, lấp đất lên (tất nhiên phải rình lúc quản giáo không có mặt). Rồi liệu mà mang về. Đó là chỉ thứ than hoa thường thấy.
Mẻ than vừa mất của Minh là một mẻ than đặc biệt. Lâu rồi toán Minh đốt lửa lên trên một gốc cây to. Lửa cháy ngún xuống rễ sâu dưới lòng đất. Phải đến tuần lễ sau Minh mới lang thang ra đấy bới đóng tro, xem còn lại ít than sót không. Và anh phát hiện ra những cái rễ cháy âm ỉ trong đất từ bao giờ. Chúng đã tắt, còn lại than.
Minh bới đất. Nậy một khúc than nguyên hình rễ cây. Một khúc nữa, anh đào. Im lặng đào. Trên lưng một bị than. Thỏi nào thỏi nấy như đá, nặng, óng ánh, chạm vào nhau kêu thành tiếng sang sảng.
Minh đã mang về trại trót lọt, mặc dù hôm ấy ai đi qua cổng trại cũng bị khám. Anh đã chuẩn bị. Anh cho than vào cái ống quần tù để dưới đáy bị. Minh để bộ quần áo ướt lên trên. Và cái ca rỗng nằm nghiêng ở phía trên nữa, cạnh cái khăn mặt ướt. Sau cùng là cái lưỡi cày nằm chênh chếch từ đáy bị tới miệng bị.  
  Thấy khám xét, nhiều người sợ hãi. Minh rướn lên đứng trên cùng. Chờ khám xét một toán, anh hớn hỡ bước lên, tay mở sẳn miệng bị. Ông Tân quản giáo trại không nhìn, phất tay ra dấu hiệu cho Minh vào.
   Thế là bây giờ tay trắng.
Minh ra sân đi bách bộ cho khuây khỏa. Những giây phút tự do cuối cùng của một ngày. Chỉ lát nữa thôi, Minh sẽ bị lùa vào trong chuồng. Khóa. Nhốt như nhốt gà, nhốt vịt, nhốt trâu bò.
   Xam xám, vật vờ, cánh tù đi quanh sân trại. Người đi một mình, nghiền ngẫm như bao chiều rồi nghiền ngẫm. Người khoác khoanh tay, rủ rỉ. Chẳng hiểu họ nói những gì. Chẳng qua là tri kỷ gượng mà thôi. Vì ở cái chốn này, không một ai tin ai. Không một ai cởi mở cùng ai. Cũng như những ngoại lệ, cũng có những người tin nhau nhưng chẳng có chuyện gì để nói mãi cùng nhau. Bởi vì cuộc đời tù có gì đâu ngoài một chuỗi lập đi lập lại những đói, khổ, buồn nhớ, tuyệt vọng...   
   Nhưng buổi chiều hôm ấy có một sự kiện làm thay đổi cuộc sống đều đều, buồn tẻ trong trại. Một chiếc xe bịt bùng từ ngoài cổng tiến vào sân trại. Mặc dầu có tấm vải phủ kín đầy bụi mưa dầm làm bết thành từng mảng, nhìn biết ngay chiếc xe bịt bùng đó là chở người tù.
Không sai. Từ cabine, các công an nhảy xuống. Đám tù mới đứng cụm vào một chỗ ở đầu dốc, lối lên hội trường.
   Đôi bên đứng cách nhau một khoảng an toàn vừa đủ tò mò nhìn nhau. Minh cũng đứng ngó tám "lính" mới. Những người mới đến chưa mặc quần áo có số ở trại này nhưng chỉ ngày mai thôi đố ai phân biệt được cũ mới từ quần áo đến dáng đi.
   Đến bao giờ mới được ra khỏi hỡi Trời? !
Bỗng có tiếng gọi to vọng lại tai Minh :
- Minh!
Đó là tiếng Chính, một người cao gầy, đứng giữa đám tù mới chuyển trại. giơ cánh tay bị khóa lên vẫy vẫy trên không.
Minh đáp lại giọng sửng sốt :
- A! Anh Chính! Anh khỏe không?
Chính cười. 
Chính cùng toán Minh trại A, hai năm về trước.
- Báo cáo đồng chí Thượng úy Giám thị phân trại. Đây là một phần của toán cánh A được lệnh chuyển về trại này.   
Đứng giữa đám tù bị còng tay. Chính cười kha kha. Tất cả há mồm nghe Chính bảo mọi người chung quanh :
- Anh Minh là người cùng tóan với tôi...Lời nói chính bị cắt đứt vì anh em tù được phân công ngay (tù chuyên gánh cơm chỉ có nhiệm vụ gánh cơm nước một bữa cơm trưa ra chỗ làm và lấy suất ăn về) từ nhà bếp đi lên cái dốc xoai xoải tới giữa sân.
   Cả trại ầm lên, Tiếng gọi nhau ô hợp ! Tiếng gõ bát đũa. Tiếng đếm bát đũa của từng mâm. Tiếng chân người huỳnh huỵch chạy từ xa về buồng giam lấy bát đũa chạy vội ra.
   Bữa cơm chiều hôm ấy sao mà ngon dù lòng Minh không yên. Lòng anh tù " tập trung cải tạo" làm sao mà yên được. Yên tâm cải tạo, câu ấy đúng với ai, chứ không đúng với anh tù không án...Ngon như cơm tù. Phải ghi vào tự điển thành ngữ ấy.
    Nhưng hãy bắt đầu từ việc chia cơm đã. Đó là một sự im lặng tuyệt đối. Trong sân trại, anh em tù đứng thành mấy chục vòng tròn (bao nhiêu mâm thì bấy nhiêu vòng). Những vòng người quần xám, áo xám, mắt trắng dã, mặt nghiêm nghị, căng thẳng, chăm chú nhìn vào nồi cơm, nồi canh, đếm số bát. Một nhận xét đầu tiên:
- Cơm hôm nay ít thế nhỉ?
- Cơm nát.
- Lại độn nhiều khoai quá.
- Đánh đánh cho nó đều
- Rau cũng ít nữa.
   Đó là những thất vọng dù quen thuộc nhưng vẫn là thất vọng. Cơm đã ít lại độn khoai. Lại chỉ có một món rau lõng bõng nấu đen sì.
   Cách đây ít lâu, ông Giám thị đã thực hiện được lời hứa. Bữa ăn có nhiều món. Bắp cải mọi khi luộcthì từ nay được chia làm hai. Thái nhỏ muối dưa và luộc. Một ít rau thơm. Một tí muối hòa với nước lã làm nước chấm. Nhiều bữa có một con cá khô mủn hoặc hai miếng thịt vịt đang đâm lông ống vừa thui, vừa luộc, khét nghẹt, mỏng dính. Bốn năm món chia chác thật phức tạp.
   Chí́nh nói :
- Tôi mà làm giám thị, tôi sẽ cho ăn nhiều món hơn nữa.
   Sau lời nói của Chính là những tiếng xì xầm. Họ cho lời nói bất cẩn của Chính sẽ gây ảnh hưởng đến anh em tù nếu lọt vào tai ông Tân.
   Giờ đây cả sân im lặng và căng thẳng. Quá căng thẳng. Tất cả dán mắt vào cái mâm của người chia cơm, vào cái bát đưa lên cân. Nghĩa là một que củi thẳng, khô làm cán cân. Một đầu treo hòn cuội. Đó là quả cân. 
   Người ta đã lấy một cái bát của một người làm cố định trọng lượng. Qua thực tế người ta khía nấc ở cán cân làm định mức trọng lượng. Thông thường thì việc chia thừa thiếu chút ít. Thừa thiếu càng trở nên phức tạp khi nhà bếp thổi khô quá hoặc nát quá như hôm nay làm đảo lộn trọng lượng bình thường, phải thêm bớt nhiều lần. Nhìn mâm cơm đổ th̀êm vào ̀bát mình thì vui nhưng nhìn mâm cơm của người cơm cắt xén tàn bạo vào suất cơm trong bát mình nó vẹt lẹm đi, buốt lòng như có ai rút đi quả cật. Xén rồi lại xén nữa vì chưa đủ. Chưa cắt hết một vòng
- Cơm hôm nay ít quá ! Lại có tiếng xầm xì.
Minh và Chính hai tay bưng bát vào buồng. Chính cẩn thận trút hai bát rau làm một. Đó là thói quen ăn chung của hai người tù ở trại A. Rồi Chính và Minh ăn vội vã những củ khoai mà Minh nhặt được cất giấu trong người lúc đi làm ở bìa rừng gần làng dân.
   Ở trong tù thái độ đối với miếng ăn là quan trọng. Rất quan trọng.
Nhặt một quả tắt. Thái độ đối với quả tắt thế nào đây? Không thể nào mời hết mọi người nhưng cũng không thể quay mặt vào tường ăn một mình như những món ăn ngoài đời, những món ăn của tự do. Cũng không thể chờ đến lúc đi ngủ chui vào mùng ăn một mình trong bóng tối. Tiếng giỡ của túi ny-long loạt soạt. Nhặt được một củ sắn, một kỳ công đấy. Thiết kế rất công phu, chớp thời cơ ngàn năm có một đem về trót lọt, đói hoa mắt nhưng chớ ăn một mình.
   Trong tù quan hệ con người không bị lột trần. Không thể che đậy. Không thể lừa dối. Có hai điều quyết định nhất khi sống trong tù : một là thái độ của người tù trước bạo lực.Nghĩa là thái độ trước công an, các ông quản giáo, các ông giám thị. Thái độ trước tù đày.
Hai là thái độ trước miếng ăn trong khi lúc nào cũng đói rã rời. Giữ được hai điều đó sẽ là người tù chân chính, được cộng đồng công nhận. Mà giữ được hai điều đó nghĩa là phải sẳn sàng chấp nhận những công việc nặng nhọc nhất.
   Đừng mơ tưởng đến toán nhà bếp, đi nuôi ong, chăn trâu (ai bảo chăn trâu là khổ. Không, chăn trâu sướng lắm chứ. Đúng là thế đấy. Chăn trâu sướng lắm vì được tự do. Thoải mái). Đừng hy vọng cái án cao su co lại.
   Minh làm được cả hai điều ấy một cách rất đơn giản tự nhiên. Không phải cố gắng vì đó là bản chất của anh. Chưa bao giờ Minh bẩm, sớ, phản bội anh em để mua cho mình một chút lòng tin của giám thị. Anh có thể sống và làm khổ sai như những anh em tù bình thường khác. Dù phải làm đến kiệt sức. Dù có phải phơi mình ở nương sắn tháng 6, nắng chang chang. Dù có phải lội xuống suối lạnh buốt giữa mùa đông, tháng giá, tím bầm hai chân, vực nước gánh lên đồi tưới rau, phải đút hai bàn chân nóng lạnh không còn cảm giác vào đóng lửa, Minh cũng cảm thấy dễ chịu dù bàn chân lạnh cóng cho vào lửa mãi mãi mới thấy nóng. Khi đã thấy nóng rồi rút vội chân ra nhưng cái nóng ở chỗ gan bàn chân da dày, cứ khoan mãi vào người, xoáy mãi vào người, bồi hồi, xuyên lên tận óc, phải nằm lăn ra bên cạnh đống lửa mà xuýt xoa mà kêu mà cười ra nước mắt thì vẫn còn hơn. Vì bên cạnh mình không phải là ông quản giáo mặc bộ quân phục vàng.
   Minh cũng chưa bao giờ đặt miếng ăn lên trên nhân phẩm. Cũng may là anh người cầm bút. Cái máu sĩ đã giúp Minh mà cũng là cái máu sĩ đã đưa anh vào tù.
  Chính không về chỗ mình mà vẫn còn cầm bát cơm ở lại chỗ Minh. Chính gợi lại chuyện cũ. Chuyện chia sẻ nhau ở trại A hai năm về trước...
   Vũ, một người tù làm ở trại nuôi heo lân la đến chỗ Chính và Minh, tay cầm cái nồi nhỏ, nụ cười trên khuôn mặt đỏ và nhọ. Vũ nhìn Minh hỏi nhẹ :
- Hợp không, làm tí nhé?
   Đó là một sự chia sẻ với tổn thất Minh vừa chịu. Là sự tuyên chiến hay hòa đàm với người vừa bẩm, sớ để Minh bị khám xét, bị thu nội vụ. Như một lời tuyên bố của đồng minh trong khi lâm chiến.
   Minh hỏi giọng nhạt nhẽo :
- Gì đấy?
- Gà đồng
Minh ấm ờ :
- Đào đâu ra?
Vũ nín thinh.
Minh nhìn Chính dọ ý. Chính nói khéo :
- Cứ xem như không có gì cả ! 
Vũ tiếp lời để bầu không khí không bị ngộp:
- Đặc sản ngon lắm. Một tí đậu phụ, một tí chuối xanh, một tí lá lốt, một tí nghệ, một tí rau.
Chính nói xen vào :
- Thế là thành món cháo rìu đấy. 
Vũ cười phụ họa :
- Đúng đấy!
Minh cười khẩy :
- Anh làm tôi tưởng mình đang sống ở ngoài, đang hưởng bầu trời tự do.
Hôm nay Vũ thấy vui. Vui vì đã giúp đỡ đượcngười đang gặp khó khăn. Vui vì anh đã trả được cái ơnb của người nhường chức trưởng toán lại cho Vũ mà đôi ba lần Minh từ chối. Vũ rất muốn ngồi ăn chung với Minh nhưng Minh đã có cả Ngọc rồi. Già Ngọc là người tù rất được anh em trong trại kính nễ. Việc Minh ăn chung với già Ngọc làm Vũ thán phục Minh hơn.
   Thông thường người ta chọn người ăn chung ngoài phần tình cảm cũng phải môn đăng hộ đối, nghĩa là người, của ngon vật lạ chỉ trông vào trại thì ăn với nhau.
   Vũ ăn một mình như số đông anh em tù khác. Minh hỏi khẽ già Ngọc :
- Bên Pháp người ta có ếch không, cụ ?
Già Ngọc cũng trả lời rất khẽ :
- Có chứ! Ăn mạnh nhưng chỉ cần ăn đùi thôi. Bên Đông Âu không ăn.
Tiếng già Ngọc gần như thì thào. Sợ có ai nghe tiếng, bẩm với cán bộ là già Ngọc với Minh ca ngợi Pháp.
- Chỉ tẩm bột rán chứ gì?
Già Ngọc gật đầu :
- Ăn thế không ngon. Tôi thích nhất ếch um. Nó còn nguyên vị ếch.
Chính châm lời vào :
- Đó là do thói quen thôi.
Minh nói :
- Dân mình ăn được mắm tôm.
Vũ tiếp lời :
- Tôi không biết ăn mắm tôm nhưng vào đây biết ăn rồi. Không biết cũng phải biết.
   Đột nhiên già Ngọc ngồi thẳng người lên. Già nhai miếng "gà đồng" một cách chăm chỉ làm cho Minh và Chính ngạc nhiên. Hai người trố mắt nhìn già Ngọc mà đầu ốc quay cuồng, tự hỏi không hiểu vì sao hôm nay già Ngọc lại ăn như thế. Thường khi già Ngọc cẩn thận về miếng ăn lắm mà. Hôm nay trước mặt Vũ, già Ngọc hăng hái ăn. Minh thầm nghĩ chắc là già Ngọc có phương kế gì sâu sắc đây. Có lẽ Chính cũng đồng tư tưởng với Minhnên xáp vào ăn nhưng không bằng già Ngọc.
   Mấy người tù khác đã ăn xong ở ngoài sân mang bát vào.
Vũ, nhiệm vụ toán trưởng hỏi :
- Hôm nay các vị ăn có ngon không?
- Ngon lắm.
Họ nói cho vừa lòng Vũ để khỏi mai này bị ông Tân kêu lên hạch hỏi qua lời bẩm, sớ của toán trưởng.
Minh rửa xong bát đủa. Anh đi ra ngoài sân, qua chỗ Vũ đang lấy cát chà cái nồi. Bàn tay Vũ nhọ nhem. Cái nồi nấu xong phải chà ngay.
Được lợi thế ông Tân, quản giáo trại thả lỏng, làm ngơ nên ngày nào Vũ cũng chà đánh bóng cái nồi là một điều thích thú. Anh chà đánh tỉ mỉ. Cả đấy, cả nắp, cả bên trong, bên ngoài, cả cái gờ, cái chỗ quai, cả những chỗ lõm vào.
Minh dừng lại, cầm ống nước giội cho Vũ. Vũ đánh tiếng mời Minh tối sang uống trà.
   Đám tù mới chuyển tới có Trương Chính xuất hiện được mấy ngày rồi đi đâu biệt tăm, chẳng ai biết. Anh em tù đều nghĩ :
- Chắc là bị nhốt rồi.
Nhiều người đi quanh như Minh bách bộ quanh sân, cái sân rộng. Như kiến trong miệng chén. Minh nhìn trời âm u. Lại sắp mưa đây. Bao nhiêu buổi chiều rồi. Những buổi chiều cứa vào lòng. Những buổi chiều tuyệt diệu vô phương. 
Minh nhìn thấy Phương đang ngồi trên ghế băng ở đầu hội trường trên cao. Minh bước về phía đó.  
    Sơn là một tu sĩ. Theo cánh tù nói, Sơn đã lợi dụng những buổi chiều giảng đạo để kích động giáo dân chống lại chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp.
    Ở trong trại vẫn có một vài anh em như Hoàng tìm đến Sơn để xưng tội, rửa tội. Thật là kỳ lạ. Và bây giờ Hoàng đang ngồi bên Sơn. Minh thấy Hoàng, anh lách sang chỗ khác. Hoàng ở toán B. Minh đã có một cuộc đối thoại với Hoàng trong việc hai người xới sắn. Mỗi người một bên luống. Những cây sắn cao ngang đầu gối. Băn băm gốc sắn, vun đất ở rãnh lên xuống. Đó là công việc nhẹ nhàng. Nhưng làm lâu cũng mệt, cũng thở.
     Minh và Hoàng cùng chung số lệnh. Hoàng bảo kém một năm đầy ba lệnh. Hoàng nói cho Minh biết :
- Anh có nhanh cũng phải mười năm.
Nếu tù hai lệnh là sáu năm thì sang năm thứ bảy cứi xét. Hoàng đã ở năm thứ tám. Thế là phải ba lệnh. Hết lệnh thứ ba người ta mới xét cho về. Có được ra thì cũng một năm nữa. 
      Tổng hợp mấy người tù đều tròn lệnh (ba năm, sáu năm, chín năm, mười hai năm...) cũng phải mất vài tháng. Suy nghĩ, cân nhắc, họp hành hàng tháng. Và nếu mình có trúng số độc đắc, được có tên trong danh sách tha thì cũng phải chờ vài tháng quyết định. Vào sổ đóng dấu gởi từ Bộ về trại. Rồi trại vào sổ, xem xét có thể giữ lại vài ngày.
        Minh cũng thế Sơn bảo :
- Có nhanh nhứt cũng phải hai năm nữa.
Rồi Hoàng cười :
- Nói thế để có cái móc mà nghĩ đến thế thôi. Hai năm nữa được về là tốt lắm rồi.
        Minh cũng nghĩ tới cái móc của anh. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Sự kiện dồn anh em số lẻ và những người mới như Hồ, Cảnh là triệu chứng xấu. Rất xấu.
Hoàng hỏi Minh : 
- Anh là ngụy quân hay ngụy quyền?
- Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. 
Hoàng thầm thán phục Minh. Đến giờ phút này mà Minh vẫn còn tâm quyết không chịu dùng danh từ ngụy quân hay ngụy quyền. Thật hiếm có một người khí khái như vậy.
Minh hỏi ngược lại Hoàng :
- Còn anh? Vì saio bị vào đây?
- Tôi bị bắt chung với Sơn về tội tuyên truyền.
Minh nghĩ thầm. Anh nghĩ ngược lại. Vì lịch sử chứng minh cho thấy, triều đại nhà Ngô Đình Diệm sụp đổ cũng bởi các ông thầy tu, giáo dân, xách động, biểu tình, tuyệt thực, tự thiêu...
    Minh cũng nói nửa đùa nửa thật để thăm dò Hoàng :
- Ở đây anh em gọi là tội nói thật. Nói sự thật là một lời khen cũng là một việc khó khăn nguy hiểm. Từ xưa đến nay vẫn thế. Bao giờ cũng một việc nguy hiểm. Mẹ tôi đã nói nhiều lần: Trung ngôn nghịch nhĩ.
     Hoàng hỏi đột ngột :
- Anh có viết báo không?
Minh nghe Hoàng hỏi câu này khiến anh cảm thấy ớn lạnh xương tủy. Cũng vì mình viết báo, viết truyện thêm bản thân phục vụ quân ngủ dưới lá cờ chính nghĩa tự do mà giờ đây phải ngồi tù. Minh trả lời ngắn :
- Có.  
Nói xong Minh bắt đề tài kh́ac :
- Đúng là nhà tù của ta cải tiến rất nhiều. Những khe hở của nhà tù đế quốc bị bịt kín. Một cái bánh chưng gửi vào cũng bị cắt ngang dọc, xem có tài liệu gì trong ruột bánh không. Không sao để dành được, chỉ hai ngày sau là mốc xám dài bằng ngón tay đã mọc xù lên dọc hai bên vết cắt. Khi còn giam cứu, gói đường cũng bị đổ tung ra. Bao thuốc lá bị bóc. Điếu thuốc bị xé.
    Minh và Hoàng đã thận trọng lời nói. Kể cả Sơn anh cũng thận trọng dù biết Sơn là tu sĩ. Trong tù rất thận trọng. Chẳng nên làm phức tạp tình hình. Chẳng nên làm mình thêm lo lắng. Ở ngoài đời đã bị khoác cái tội giết hại nhân dân. Vào đây lại thêm cái tội cứng đầu thì chỉ có mục xương.
     Chẳng ai nói với ai những điều sâu kín trong lòng. Nhưng tất cả điều hiểu rằng : không ai chấp nhận cái thứ tù không án. Tù không có ngày về. Không ai chấp nhận chế độ ăn uống lao dịch khủng khiếp mà họ đang chịu đựng.
     Minh quý anh em tù công giáo. Tất cả đều sống kiên cường, đúng mực. Tốt với bạn tù. Có lẽ đó là anh em thực hiện lời dạy của Chúa. Thử thách này cũng là thử thách trước của Chúa. Còn Sơn, Hoàng có thực sự như anh em trong tù không? Đó là điều cần phải kiểm chứng lại trong tâm linh. Minh luôn đặt nghi ngờ.
       Hồ đến hỏi Sơn :
- Tối nay anh em có đến nghe huynh giảng nữa không? Nghe đâu có lệnh cấm!
Câu hỏi của Hồ là Minh tức cười. Anh rời vị trí, đi vòng về phía hội trường. Anh ngồi một mình. Đấy là nơi cao nhứt của quả đồi được lấy làm trại tù.
Minh nhìn anh em đi vật vờ, vô mục đích. Những thân xác xơ trong những bộ quần áo xơ xác. Những cái đầu cúi chậm rãi bước, chờ thời gian trôi. Chờ tối xuống để ngày mai lại hệt như hôm nay. 
     Minh nhìn hàng rào kẻm gai kèn dưới chân đồi. Cỏ mọc lút. Không ai dám tới. Ra đấy làm gì nếu không có ý định trốn trại. Ở đó vắng teo như cầu Hiền Lương, khu quân sự. Tháng tám năm ngoái, bọn Minh được ra chỗ đó. Bão, Bão to làm hàng rào đổ mấy chỗ. Đàn tù phải dằn gỗ, dằn cây. Chỉ một ngày xong. Để nhốt đám tù.
        Bao giờ mình cũng tự làm hàng rào, làm nhà tù tự nhốt mình. Đời là thế?! 
Già Ngọc đến ngồi cạnh Minh. Già đã đi một vòng và biết khối tin thời sự. Già bảo :
- Cái đám mới lên đấy không hiểu sao bị nhốt chung với toán lò vôi.
      Minh Nghe già Ngọc nói, anh chợt nhớ tới Chính thì ra mấy ngày qua không thấy mặt Chính. Vậy là Chính bị cùng chung với số phận anh em mới chuyển đến. Minh thầm nghĩ : Nếu Chính bị nhốt chung với toán lò vôi là đúng chủ trương của trại. Bởi lý lịch của Chính là một sĩ quan Chính trị Việt Nam Cộng Hòa. Họ khép Chính là tù chính trị. Nhưng Minh thấy người nào vào đây cũng đều mang một số phận: Tù không án.
       Minh cơ hồ tuyệt vọng :
- Tình hình xấu lắm cụ ạ. Tội của chúng mình không phải mất lòng tin  mà là tin tưởng quá.
- Sống thế này không điên cũng lạ thật.
- Tôi cũng mong tôi điên. Thật khốn nạn vì mình cũng không điên được.
        Minh hồi tưởng về quá khứ. Mối đêm anh và Nho thường đối ẩm thơ với nhau bởi cả hai lỡ mang tâm hồn thi sĩ.
 Bây giờ mỗi người một nơi. Minh đi tù. Anh nghe già Ngọc nói : sống thế này không điên cũng lạ thật khiến anh nhớ lại bài thơ mà anh đọc cho Nho nghe trước đêm sáng hôm sau lên đường đi tù. Một bài thơ bất hủ, suốt đời anh không quên:
" Chúng ta điên vì thế thời phải thế
   Đời tưởng ta điên nào ta có điên
   Giữ vững niềm tin nên bất chấp
   Bất chấp tiếng đời, quyết tâm đi lên"
Già Ngọc cắt ngang dòng hồi tư tưởng của Minh :
- Đêm qua tôi mơ thấy bé con ở Pháp. Nó vẫn như lúc tôi từ biệt nó. Tôi mơ thấy quán rượu của bà André. Tôi vào ngồi ở quán. Con bé chạy ra hỏi :
- Que buvez-vous?
Vẫn cái giọng ấy. Nó chẳng lớn chút nào. Tôi ôm lấy nó:
- Không nhận ra bố à? Con mèo của bố.
Nó khóc. Nó giẫy tuột khỏi tay tôi. Rồi nó gọi :
- Mẹ ơi! Có khách.
Vợ tôi ra đứng sau quầy 
- Ông dùng gì ?
Tôi cũng nói như một người khách : 
- Cho một cốc vang !
Kỳ lạ...bà André không nhận ra tôi. Tôi thì nhận ra cả hai. Nhưng tôi cứ ngồi uống như một người khách lạ. Già Ngọc nói xong cúi đầu. 
   Minh thở dài. Anh thèm như già Ngọc, thốt giọng rầu rầu :
-Tôi mất khã năng nằm mơ rồi. Đã bao lần tôi mơ ước nằm mơ thấy vợ. Cách đây ba năm tôi còn nằm mơ thấy nàng. Hình dáng nàng không thay đổi nhưng nhìn qua gương mặt tôi thấy nàng thất sắc nhiều, có lẽ nàng tiều tụy tâm não.
-Tôi cũng thế. Tôi cứ ngồi uống như một khách hàng, thế mới khổ chứ.
    Minh lặng im. Anh tiếp tục thở dài.
- Đêm nào đi ngủ, tôi cũng ao ước nằm mơ thấy vợ mình lần nữa nhưng tôi hoàn toàn mất khã năng.
-Tôi cũng ít nằm mơ. Giá đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy Marseille, thật là một thành phố...Không. Hải Phòng không thể nào bì được. Hải Phòng xa biển.
   Đằng này biển gầm thét ngay chỗ mình ngủ. Thật là vĩ đại. Những người dân ở đây thẳng thắn, cởi mở, vui tánh...
    Trẻ con người lớn quay quần. Thật là những người vô tư lự.
- Đời cụ thật sung sướng. Biết đây, biết đó.
- Tôi về nước với bao ý định tốt đẹp. Thật không ngờ.
- Tôi ao ước được như cụ. Được một lần leo lên tháp Eiffel, đứng trước Khải Hoàn Môn.
Mỗi người mang trong lòng nỗi khổ đau quá lớn, đế nỗi trong một lúc không còn khã năng tiếp tục thu được nỗi lòng người khác..
    Có tiếng kẻng vang lên một hồi ròng rã dội vào rừng xanh. Kẻng điểm danh buổi tối. Mọi người lặng lẽ trở về tụ tập ở sân trước cửa phòng giam chờ cho đến khi ông Tân, cán bộ quản giáo trại đi giữa hai hàng sàn gỗ. Ông đi giữa hai hàng tù quần áo xám xịt ngồi thành  dãy như bụt mọc.
    Ông dứ dứ cái bút máy vào từng người, miệng lẩm nhẩm. Ông đếm bên phải. Ông đếm bên trái, dứ bên trên, dứ bên dưới. Những mặt lù lì, bí ẩn. Vẻ mặt ông Tân lạnh lùng, khó hiểu không kém.
     Người ta đã tính những lần Ông Tân phải đếm trong ngày. Sáng mở cửa ra : đếm. Đi làm : đếm. Trưa về : đếm, Chiều đi làm : đếm. Đi làm chiều về : đếm. Đi ngủ : đếm. Tổng cộng sáu lần đếm trong ngày.
     Trại cứ tính một ngàn tù cho chẳn. Vậy thì một ngày ông Tân phải đếm sáu ngàn người. Một năm ông phải đếm hơn hai triệu người mà ông làm quản giáo đã được hai mươi năm rồi. Làm từ khi tập kết. Ông đã đếm bốn chục triệu người tù. Thật là một sức lao động vĩ đại.
Một năm hai triệu khuôn mặt mệt mỏi, lờ đờ, xám xịt diễn qua mặt ông. Có lẽ vì soi mãi vào gương ấy, ông cũng cảm thấy mệt mỏi, lạnh, chai, không một tình cảm nào biểu hiện ra ngoài.
       Ông đã đếm xong. Ông bước ra. Vũ đi theo sau lưng ông Tân, đóng hai cánh cửa lại một lúc, nghĩa là đủ thời gian để ông vào phòng bên cạnh. Phòng giam ồn lên.
        Lửa lại cháy đùng đùng trong nhà bếp. Khói mù mịt. Không hiểu sao đàn tù họ vẫn kiếm ra nứa để đốt. Có một lần Minh đã lấy được cả một cây nứa để giữa sân trại, trước mặt các ông giáo áo xanh và các ông áo vàng đứng trên năm bót gác chính và phụ cao ngất.
         Trước mắt hàng trăm người tù đi làm về thấy bó nứa để giữa sân ngon quá. Minh nhìn lên các bót gác quan sát. Rõ ràng người trên bót quay mặt vào sân ( nhìn sinh hoạt trong sân tù dù sao cũng vui hơn nhìn ra ngoài rừng già, nhất là buổi chiều tà ).
          Minh thản nhiên rút một cây nứa dài chạy vào buồng. Anh vội vã gác lên cạnh những cây nứa khác phơi bộ quần áo ướt của anh và già Ngọc lên đấy. Vừa xong thì một ông quản giáo chạy vào buồng giận dữ :
- Anh nào vừa ân cắp cây nứa chạy vào đây? Đâu rồi? Hãy ra đầu thú ngay !

          Minh nằm dài trên sàn, lờ đờ khuôn mặt, dửng dưng trước những lời quát nạt của ông cán bộ. Anh cứ để ông ta tìm trong gần năm trăm bộ quần áo có số. Cây nứa của Minh cũng như bao cây nứa khác đang mang trên mình những bộ quần áo có số tù rỏ nước như đang nằm đấy tự bao giờ. 






      
   

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire